Monday, September 22, 2014

Nhà Nhân học văn hóa Clifford Geertz

"Nhân học là một cách sống đầy vui thích,
hữu ích, làm hao tổn tinh thần, thú vị và tuyệt vời"
(Clifford Geertz, 1995, pp.168)


Clifford Geertz (1926 - 2006), nhà nhân học văn hóa xuất chúng, đã qua đời vào thứ Hai [30 tháng 10] ở Philadelphia, thọ 80 tuổi. Ông sống ở Princeton, NJ trước khi qua đời. Công trình của ông tập trung vào diễn giải những biểu tượng mà theo ông làm cho đời sống của con người có trật tự và ý nghĩa.
Theo thông báo của Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton, nơi ông là thành viên kể từ 1970, nguyên nhân cái chết của ông là biến chứng sau cuộc giải phẫu tim.
Được biết đến nhiều nhất thông qua những lý thuyết về văn hóa và diễn giải văn hóa, Geertz được coi là người sáng lập ra nhân học diễn giải, hoặc nhân học biểu tượng. Nhưng ảnh hưởng của ông vượt ra ngoài nhân học, vươn tới nhiều ngành khoa học xã hội khác và các công trình của ông có một phong cách văn chương khác hẳn so với những nhà lý thuyết và khảo tả dân tộc học khác.
Cuốn sách Những công trình và những cuộc đời: Nhà nhân học như một tác giả (1988) của ông xem xét bốn bậc tiền bối của ngành là Bronislaw Malinowski, Ruth Benedict, E. E. Evans-Pritchard và Claud Lévi-Strauss đã giành được giải thưởng Phê bình Sách Quốc gia (National Book Critics Circle Award).
Dựa trên lịch sử, tâm lý học, triết học và phê bình văn học, Geertz phân tích và giải mã ý nghĩa của nghi lễ, nghệ thuật, hệ niềm tin, thể chế và những “biểu tượng” khác theo cách ông định nghĩa.
Trong cuốn Diễn giải những nền văn hóa xuất bản năm 1973 (Basic Book), ông viết “cùng chia sẻ niềm tin với Max Weber rằng con người là một loài vật treo trên những mạng lưới ý nghĩa do chính mình tự dệt nên, tôi cho rằng văn hóa là những mạng lưới đó và vì vậy, sự phân tích văn hóa không phải là một khoa học thử nghiệm nhằm tìm kiếm quy luật, mà là một khoa học diễn giải nhằm tìm kiếm ý nghĩa”. Phụ trương Văn học của tờ Thời đại (Times) xếp cuốn sách này vào một trong 100 cuốn sách quan trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.
 Geertz còn viết nhiều công trình đồ sộ về các cuộc điền dã của mình ở Indonesia và Morocco. Trong một trong những bài viết được trích dẫn rộng rãi nhất của mình, “Chơi sâu: Ghi chép về chọi gà ở Bali” xuất bản trong Diễn giải những nền văn hóa, ông phân tích những mối quan hệ xã hội và thân tộc đã tạo dựng nên, làm nổi bật và duy trì dạng thức nghi lễ “chơi sâu” này như thể chúng là “một tập hợp của các văn bản”.
Trong các công trình của mình, Geertz thận trọng phân biệt giữa văn hóa và cấu trúc xã hội, phân biệt bản thân mình với những nhà chức năng luận như Lévi-Strauss, người tin rằng nghi lễ, các thể chế và những khía cạnh khác của văn hóa có thể được hiểu thông qua những mục đích mà chúng phục vụ.
Trong khi cấu trúc xã hội bao gồm cả đời sống xã hội, chính trị, kinh tế và những dạng thiết chế của nó, theo Geertz, văn hóa là “một hệ thống những ý nghĩa hàm chứa trong các biểu tượng”, cung cấp cho con người một khung tham chiếu để hiểu hiện thực và hành động. Ông tranh luận rằng văn hóa lấp đầy khoảng trống giữa một bên là những thuộc tính sinh học của loài người và một bên là những gì con người thực hiện chức năng trong một thế giới phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau và luôn thay đổi.
Tóm lại, theo lời phát biểu của Geertz, câu hỏi cần đặt ra về những hiện tượng văn hóa không phải là họ làm gì, mà họ định nhằm vào ý nghĩa gì. Geertz còn phản đối ý tưởng cho rằng có thể xác định được bản chất loài người xuyên suốt mọi nền văn hóa.
Năm 1966, ông viết, “chúng ta không có nghĩa vụ phải thống nhất với ý niệm cho rằng bản chất ý nghĩa của sự làm người bộc lộ rõ nhất trong những nét đặc trưng của văn hóa nhân loại mang tính phổ quát chứ không phải trong những đặt trưng riêng lẻ của dân tộc này hay dân tộc khác”. “Có lẽ chính trong những nét cụ thể của từng dân tộc – trong sự khu biệt của họ – ta có thể tìm thấy những phát hiện đáng kể nhất về ý nghĩa tổng quát nhất của việc làm người”.
Geertz còn quan tâm sâu sắc về vai trò của nhà nhân học và phương pháp luận của ngành. Thừa nhận di sản thực dân và phương Tây trong nhân học, ông tin rằng một người từ một nền văn hóa này khó có thể trình bày về một nền văn hóa khác một cách chính xác và có ý nghĩa. Ông lưu ý rằng các nhà nhân học hiếm khi là những người quan sát khách quan và thụ động, ngược lại, họ là những cá nhân sáng tạo ra những câu chuyện kể, với giọng nói của chính họ.
Tranh luận rằng hiện thực khảo tả dân tộc học không tồn tại tách rời phiên bản do nhà nhân học viết nên, Geertz cho rằng các nền văn hóa và các dân tộc phải tự nói lên về chính mình, còn các nhà nhân học học cách “trò chuyện” với họ và diễn giải về những điều họ nói. 
Trong cuốn Tri thức địa phương: Những bài viết tiếp về nhân học diễn giải (Basic Book, 1983), Geertz còn đặt ra câu hỏi liệu một người từ một nền văn hóa này có thể hiểu về một nền văn hóa khác một cách khách quan hay không.
Với ông, nhiệm vụ của nhà nhân học là dùng cách mà ông gọi là mô tả sâu để diễn giải các biểu tượng thông qua quan sát những ứng dụng của chúng. Vì vậy, nhà nhân học phải là một người nghiên cứu thực nghiệm nghiêm khắc, đồng thời là một người phiên dịch giỏi, tương tự như một nhà phân tích tâm lý. Năm 1972, ông viết “phân tích văn hóa là (hoặc nên là) đoán ra những ý nghĩa, đánh giá những phỏng đoán này và đưa ra những kết luận giải lý từ những phỏng đoán chính xác hơn”.
Việc lý thuyết hóa một cách tỉ mỉ trau chuốt của Geertz và những mối nghi ngờ sau này của ông về những hạn chế của tri thức nhân học đã làm cho một số học giả bối rối. Như Jonathan Benthall khi viết cho tờ The New Statesman năm 1995 đã chỉ rõ “Ông làm một số đồng nghiệp thất vọng vì không đưa ra một lý thuyết phổ quát nào”.
Clifford Geertz sinh ngày 23 tháng 8 năm 1926 ở San Francisco, là con của Clifford và Lois Geertz. Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, ông phục vụ trong Hải quân.
Ông lấy bằng cử nhân triết học năm 1950 của Trường Antioch, ở đó một giáo sư đã thôi thúc ông theo học nhân học để có thể tiếp tục mối quan tâm của mình về các giá trị của mình. Ông tiếp tục đến học tại Khoa Quan hệ Xã hội ở Harvard, học tập sự hướng dẫn của nhà nhân học Clyde Klunkholn và nhà xã hội học Talcott Parsons, ông nhận bằng Tiến sĩ năm 1956.
Tính đến thời điểm này, ông đã tiến hành một số trong sáu cuộc điền dã ở Indonesia, sống 2 năm từ 1952 đến 1954 ở làng Pare, miền trung đảo Java. Công trình giai đoạn sớm của ông về Indonesia kết hợp các khía cạnh của khảo tả dân tộc truyền thống và lịch sử, quan tâm đế phát triển kinh tế và chính trị sau giải thực dân.
Công trình lớn đầu tiên của ông, Tôn giáo của Java (1960), là một khảo tả dân tộc học về tôn giáo của người Java. Lùi hóa nông nghiệp (1963) áp dụng quan điểm toàn ảnh về hiện đại hóa và phát triển kinh tế sau khi Indonesia giành được độc lập, trong khi cuốn Những người bán rong và những ông hoàng (1963) tập trung vào sự phát triển quy mô nhỏ ở hai thị trấn Modjokuto thuộc Java và Tabanan ở Bali. Một thế kỷ phát triển xã hội ở Modjokuto là chủ đề của cuốn Lịch sử xã hội của một thị trấn ở Indonesia (1965).
Cuốn Thân tộc ở Bali (1975) viết chung với người vợ đầu tiên của ông là Hildred Storey cho rằng một miền văn hóa của những biểu tượng, khuôn mẫu và ý tưởng chính là một “trật tự nền tảng của những tập quán thân tộc của người Bali”, mặc cho những nơi khác nhau trên hòn đảo này có thể có những thực hành và cấu trúc xã hội khác nhau.
Cuốn Negara: Nhà nước sân khấu ở Bali thế kỷ 19 (1981) tìm hiểu về bản chất của các gia đình hoàng gia ở những vương quốc nhỏ bé phía Nam Bali trước thời thuộc địa, thách thức “truyền thống đặt trọng tâm vào quyền lực” của các lý thuyết chính trị từ Machiavelli cho tới Hobbes đến Marx.
Cuộc hôn nhân của Geertz và Storey, người đi cùng ông trong các chuyến điền dã thời kỳ đầu, đã kết thúc bằng li dị vào năm 1982. Bà là giáo sư về hưu của Khoa Nhân học ở Princeton. Ông mất đi để lại vợ của ông, Karen Blu, một nhà nhân học ông đã kết hôn vào năm 1987; các con của ông từ cuộc hôn nhân trước, Erika Reading ở Princeton và Benjamin ở Kirkland, bang Washington cùng hai cháu.
Sau khi bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình với tư cách trợ lý nghiên cứu và giảng viên ở Harvard, Geertz dạy học 2 năm ở Califorinal. Từ 1958 đến 1959, ông là học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp trong Khoa học Hành vi ở Palo Alto; sau đó ông là Phó giáo sư nhân học ở Đại học California ở Berkeley. Từ 1960 đến 1970, ông dạy ở Đại học Chicago, trở thành Giáo sư năm 1964. Ông gia nhập Viện nghiên cứu Cao cấp vào năm 1970 với tư cách Giáo sư đầu tiên về Khoa học xã hội và từ năm 1978 đến 1979 ông giảng dạy tại Đại học Oxford.
Vì những chấn động chính trị ở Indonesia, về sau Geertz đã chuyển mối quan tâm của mình sang Morovco, nơi vào năm 1963 ông bắt đầu nghiên cứu thực địa ở một làng cổ của Sefrou và trở lại đó 5 lần nữa trong suốt sự nghiệp của mình.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nghiên cứu điền dã của mình tại đó, ông đã hoàn chỉnh cách tiếp cận lịch sử và so sánh của mình trong cuốn Islam như được quan sát (1968), được nhà nhân học Edmund Leach ca ngợi như “một so sánh rất sâu sắc giữa đạo Islam theo cách hiểu của người Indonesia và đạo Islam theo cách hiểu của người Morocco”.
Về cuối sự nghiệp của mình, Geertz ngày càng trở nên hoài nghi về khả năng khái quát hoá hoặc phát triển những lý thuyết vĩ mô phổ quát của khoa học xã hội, ông đi tới kết luận rằng tình huống của các nền văn hóa ở các thời điểm và trong các xã hội là vô cùng khác nhau. Đồng thời, ông cũng rất phấn khởi khi thấy điều ông gọi là giải sự phân vùng trong nhân học, vì ngành này đã ngày càng có nhiều học giả châu Á, Trung Đông và không phải phương Tây tham gia.
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1995, Sau sự kiện: hai đất nước, bốn thập niên, một nhà nhân học, Geertz đã nhìn lại nghiên cứu thực địa và sự nghiệp khoa học của mình một cách hùng hồn và kết luận rằng "nhân học là một cách sống đầy vui thích, hữu ích, làm hao tổn tinh thần, thú vị và tuyệt vời".
Andrew L. Yarrow
The New York Times, 1 tháng 11 năm 2006
Người dịch: TS. Trương Huyền Chi
Saturday November 18, 2006 - 08:10am (EST)

0 VÀO ĐÂY ĐỂ BÌNH LUẬN:

Post a Comment