Wednesday, July 29, 2015

“Người thiểu số” ở đô thị


Hôm nay mình đăng lại bài của PGS. TS. Nguyễn Đức Lộc viết về đời sống công nhân, đây là bài được trích từ bài viết Nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam trong bối cảnh đương đại, in trong sách Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Tập 1) Tình cảnh sống của người công nhân: thân phận, rủi ro và chiến lược sống, NXB Tri thức, 2015. 
Một bài thơ người công nhân đã viết
Bài này được báo Thế giới Tiếp thị đăng vào ngày 08/7/2015 với tựa là “Người thiểu số” ở đô thị, trong dịp giới thiệu Tập 1 của tuyển tập sách Đời sống xã hội Việt Nam đương đại và thảo luận về khái niệm “thiểu số” là nội dung chính Tập 2 của tuyển tập với chủ đề: “Những người thiểu số ở đô thị” được tổ chức ngày 11/7/2015 tại tòa soạn báo Thế giới Tiếp thị. Trong bài viết này cũng có đề cập đến những nội dung, ý kiến của mình viết trong bài “Ở lại hay trở về: chiến lược đời sống của công nhân” được xuất bản trong cuốn Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Tập 1). 
Mạnh Tiến
*    * 
Mức sống, cơ hội việc làm chênh lệch giữa các khu vực nông thôn và thành thị đã biến các đô thị thành điểm hút đối với dân nhập cư. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thường được coi là ảnh hưởng tiêu cực của cải cách kinh tế và là một trong những yếu tố thúc đẩy dòng di dân từ nông thôn ra thành thị (Lương Văn Hy, 2003: 81-106). 

Một viễn cảnh không như mơ ước 

Trong hành trình di cư tìm kế sinh nhai, mỗi công nhân đều nuôi dưỡng những mơ ước về một cuộc sống an vui, dù nội hàm an vui của mỗi người mỗi khác. Khi từ biệt quê hương lên đường mưu sinh, họ mang theo một giấc mơ đổi đời. Thế rồi giấc mơ đó mau chóng gặp phải những rủi ro không thể lường trước. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng, nhiều công nhân đã đóng góp rất nhiều cho gia đình, quê hương mình. Những khoản tiền họ gửi về quê trở thành nguồn hỗ trợ an sinh cho gia đình mình và có thể là động lực xuất cư cho những người khác tại cộng đồng địa phương. 

Để đổi lấy điều đó, họ phải tằn tiện, sống ở mức rất thấp của thành thị. Ở khía cạnh nào đó, họ trở thành những người nghèo đa diện: nghèo đất ở quê, nghèo trình độ để đi làm, nghèo vốn sống, thiếu khả năng ứng phó với những tình huống bất trắc, rủi ro trong cuộc mưu sinh. 

Bất chấp những rủi ro đã được kể ra với muôn vàn khó khăn đối với công nhân, dòng người từ nông thôn ra thành thị vẫn đông đúc. Họ vẫn sống cuộc sống của mình chứ không phải của ai khác, dù cho có đôi lần họ muốn thay đổi để có cuộc sống sung túc hơn. Họ vẫn sống với niềm hy vọng rồi đây cuộc sống ngày mai sẽ khác, sẽ đổi đời. Họ chấp nhận cuộc sống khổ cực với những bữa cơm mà nguồn thực phẩm bẩn, độc hại không người kiểm dịch được mua tạm trong khu chợ, xóm trọ. Ấy vậy, các cửa hàng mua bán vàng, cầm đồ ở các khu xóm trọ công nhân lại có vẻ nhiều hơn những khu dân cư khác. Để rồi như một trò chơi nghịch lý, đầu tháng mua vào, giữa tháng bán ra để bù đắp các khoản thiếu hụt trong chi tiêu. Bởi dù khó khăn, nhưng lường trước những khả năng bệnh tật, họ vẫn phải tằn tiện mua từng phân vàng để làm vốn phòng thân. Trong cuộc mưu sinh ấy, có người may mắn thoát đời công nhân, nhưng còn nhiều người vẫn đi về với nơi chốn cuộc đời là căn phòng trọ chật hẹp. 

Đối với công nhân, mỗi người ra đi kiếm sống với những lý lẽ riêng. Có người ra đi với mong muốn kiếm chút vốn rồi về quê. Có người mong muốn một cuộc ra đi kiếm sống để rồi đổi đời, lập nghiệp nơi đô thị, thoát khỏi cảnh nghèo túng chốn đồng quê. Có những nữ công nhân chỉ vì đơn giản muốn tìm một nơi chốn có thể cứu rỗi cuộc đời trong cuộc trốn chạy hôn nhân bi đát của mình, vốn bị bạo hành hơn là sự yêu thương, sẻ chia từ người bạn đời nơi quê nhà. Có những người mẹ mang theo niềm hy vọng trong cuộc mưu sinh là đứa con trai cần chút tiền đóng luyện thi vào đại học. Có những cử nhân tạm giấu tấm bằng đại học sau một thời gian dài học hành để sắm tạm đời công nhân, vốn cần sức trẻ hơn là bằng cấp. 

Có thể thấy, trong cõi sống của công nhân, không hẳn họ chỉ đơn độc một mình mà họ còn có cuộc sống gia đình, dòng họ với sự sẻ chia, nhưng đồng thời cũng là gánh nặng trách nhiệm trên vai với tư cách là người lao động chính trong gia đình. 

Ở lại hay trở về? 

Trong khi đó, Nguyễn Mạnh Tiến lại trăn trở với câu hỏi “Ở lại hay trở về?” trong chiến lược sống của công nhân. Tác giả cho rằng có nhiều trường hợp công nhân đang đứng trong tình thế lưỡng nan muốn ở lại cũng không được mà về cũng không xong. Các dữ liệu định lượng qua các đợt điều tra đều nhằm vào những chiến lược ngắn hạn của công nhân trong ba năm tới. Các kết quả từ phỏng vấn sâu lại chú trọng đến chiến lược lâu dài và mong muốn của công nhân lại cho thấy rằng, đời sống công nhân không thể nào giữ chân công nhân lâu dài được, những công nhân đều mong muốn trở về quê nhà. Cây cỏ, cây rau, cỗ máy là những hình ảnh được những công nhân dùng để ví von cho chính mình. Dĩ nhiên là họ không thể nào chấp nhận mãi mình với hình ảnh đó, cho nên trong suy nghĩ của mình, họ vẫn đang cố gắng thay đổi hình ảnh đó, với một thái độ chấp nhận, nhẫn nại với nghề công nhân để tích luỹ những điều kiện và tìm kiếm những cơ hội để vươn lên. 

Theo Nguyễn Mạnh Tiến, hình ảnh công nhân chưa thể là điểm dừng trong quá trình di cư của những công nhân nhập cư. Trở về quê hương sớm có xu hướng ngày càng tăng đối với công nhân trong điều kiện làm việc và điều kiện sống hiện tại, khi những khó khăn, rủi ro vượt quá khả năng chịu đựng của họ. Quê hương, gia đình vẫn là chỗ dựa vững chắc của họ. Đời sống công nhân có chăng là cõi sống tạm của họ mà thôi. 

Nguyễn Đức Lộc 

Mời đọc thêm bài giới thiệu nội dung cuốn sách Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Tập 1) Tình cảnh sống của người công nhân: thân phận, rủi ro và chiến lược sống, đăng trên trang sociallife.vn, tại đây: 

Và bài giới thiệu buổi ra mắt sách Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Tập 1) đăng trên trang Văn hiến miền Trung Tây Nguyên, tại đây: 

0 VÀO ĐÂY ĐỂ BÌNH LUẬN:

Post a Comment